Tóm tắt sách Make It Stick (Học đâu nhớ đó)

Hôm nay mình xin chia sẻ tới bạn chủ đề về bí quyết tự học hiệu quả qua cuốn sách nổi tiếng mang tên "Make It Stick". Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách này có tên là "Học Đâu Nhớ Đó".

Tóm tắt sách Make it stick


Cuốn sách này được viết bởi 11 nhà tâm lý học nhận thức, hai người trong số họ chuyên nghiên cứu về phương pháp học tập và trí nhớ. Các tác giả đã phải mất 10 năm để hoàn thành cuốn sách này. Sau khi được xuất bản, nó đã đứng đầu danh sách tâm lý học nhận thức của Amazon trong 4 năm liên tiếp. Nếu dịch trực tiếp cụm từ "Make It Stick", có nghĩa là làm cho nó bền vững, giữ cho nó gắn bó. Phụ đề của cuốn sách này có nghĩa là khoa học về cách học tập hiệu quả. Trong khi đó, tiêu đề bản dịch tiếng Việt là "Bí Quyết Học Đâu Nhớ Đó: Phương Pháp Ghi Nhớ Khôn Ngoan". Tuy cách dịch thoát nghĩa như thế này nghe khá hay, nhưng có thể khiến người đọc hiểu nhầm rằng đây là cuốn sách chủ yếu nói về cách ghi nhớ trong quá trình học. Đồng thời, nó cũng vô tình truyền tải rằng mục đích học tập của chúng ta là học cái gì là để nhớ cái đó.



Nhưng thực chất, nội dung cốt lõi của cuốn sách này chỉ ra rằng mục đích của việc học không đơn giản là để ghi nhớ. Thông qua khoa học nhận thức, cuốn sách giúp bạn hiểu biết sâu sắc hơn về cơ chế hoạt động của bộ não, chỉ ra những phương pháp học sai lầm mà hầu hết chúng ta vẫn thường sử dụng. Từ đó, cuốn sách tiết lộ bản chất của việc học là gì và đề cập đến phương pháp học hiệu quả nhất.

Nếu bạn có thể đọc cuốn sách này sớm hơn, mình tin rằng việc học của bạn sẽ đạt được bước tiến vượt bậc. Việc học ở đây không chỉ là học ở trường lớp, mà còn là tự học các kỹ năng, ngoại ngữ, và đọc sách. Dù bạn là ai, vẫn còn là học sinh hay đã rời ghế nhà trường, thì việc học đối với tất cả chúng ta đều là việc cần phải duy trì suốt đời. Nắm bắt được phương pháp học tập này, nó sẽ là chìa khóa giúp bạn tạo ra những điều khác biệt và thay đổi toàn bộ cuộc sống của mình.

Chúng ta trước hết phải làm rõ một câu hỏi đó là: mục đích cuối cùng của việc học là gì?

Có một trường hợp được đưa ra trong sách như thế này: Phi công M. Brown là một người mới bước vào nghề nhưng đã được giao nhiệm vụ bay đêm một mình trên chiếc máy bay hai động cơ để giao hàng đến Kentucky. Khi bay ở độ cao 11.000 feet, áp suất dầu của động cơ bên phải đột ngột giảm. M. nhận ra mình gặp rắc rối. Trong đầu anh nhanh chóng hiện lên nhiều thông tin: nếu động cơ hỏng, máy bay sẽ bay được bao lâu trước khi phải tắt nó? Máy bay mất lực nâng bên phải, có rơi xuống không? Cuối cùng, anh ấy quyết định tắt động cơ bên phải, điều chỉnh cánh quạt để giảm lực cản, đồng thời tăng cường lực cho động cơ bên trái. Sau khi bay khoảng 10 dặm, M. đã hạ cánh an toàn.

Có một sự thật rằng, chúng ta thường học trong mơ hồ, học rất nhiều nhưng không biết kiến thức bây giờ liệu sau này có ích hay không. Vậy thì hãy nhìn vào những thời điểm then chốt, khi không có thời gian để tra Google, không thể hỏi người khác, tất cả chỉ phụ thuộc vào chính mình. Lúc đó, liệu bạn có thể nhanh chóng hồi tưởng lại kiến thức và hành động một cách chuẩn xác hoặc là trả lời được hay không?

Tất nhiên, không phải ai học xong điều gì cũng có thể đối phó với sự nguy hiểm, nhưng tình huống này nói lên một điều là: biến những kiến thức và kỹ năng mình học thành phản xạ tự nhiên. Đây mới chính là điểm mấu chốt. Tạo thành phản xạ tự nhiên nghĩa là trong một thời gian ngắn, bạn có thể triệu hồi nhanh chóng đúng kiến thức và áp dụng được nó. Nếu làm được điều này, bạn mới thật sự học được một kiến thức hoặc thành thạo một kỹ năng. Còn nếu không, nó là vô giá trị.

Tóm lại, mục đích cốt lõi của việc học không phải là để ghi nhớ mà là để áp dụng. Chúng ta cần nhớ rằng chìa khóa để học hiệu quả không nằm ở đầu vào mà ở đầu ra. Thế nhưng, trên thực tế, chúng ta đã dành quá nhiều thời gian cho việc ghi nhớ.

Chính bởi điều này mà hầu hết mọi người đã chăm chỉ một cách vô ích. Trước khi tìm hiểu về phương pháp học sai lầm, chúng ta cần phải hiểu được nguyên lý cơ bản của trí nhớ và việc học. Việc học của chúng ta trong khuôn khổ rộng đó là từ trí nhớ ngắn hạn đi đến trí nhớ dài hạn. Theo mô hình đó, đầu vào đi đến giữ lại rồi đầu ra. Tại đầu vào, mọi kiến thức sau khi đi vào não sẽ trải qua quá trình đầu tiên được gọi là mã hóa. Kiến thức được mã hóa sẽ được tạo thành một biểu tượng tinh thần, được lưu giữ trong các tế bào thần kinh cũng như các kênh thần kinh của não, tạo thành cái mà chúng ta gọi là trí nhớ ngắn hạn.

Quá trình lưu trữ sau đó chính là củng cố. Trí nhớ ngắn hạn sẽ thường chỉ giữ được trong vài giây đến vài giờ. Một số lượng nhỏ ký ức được vùng hải mã xử lý chọn lọc và trải qua một loạt thay đổi. Chúng có thể được giữ lại khỏi sự can thiệp từ các kích thích hoặc bị tổn thương do chấn thương và sau đó trở thành ký ức dài hạn. Nhưng trí nhớ dài hạn không có nghĩa là trí nhớ vĩnh viễn. Trí nhớ dài hạn có thể được lưu trữ trong vài ngày đến hàng chục năm. Nếu ký ức này không còn quan trọng đối với chúng ta, thì trong tương lai chúng ta vẫn sẽ quên nó.

Khi nói về trí nhớ, có lẽ điều đầu tiên chúng ta nghĩ tới ngay đó là đường cong lãng quên của Ebbinghaus: 44% nội dung được ghi nhớ sau 1 giờ, 33% nội dung được ghi nhớ sau 1 ngày, 28% nội dung được ghi nhớ sau 2 ngày, và 21% nội dung được ghi nhớ sau 31 ngày. Chúng ta coi đó như một kim chỉ nam, nghĩ rằng chỉ cần tiếp tục lặp lại thì có thể đảm bảo rằng chúng ta sẽ không bao giờ quên. Nhưng thực tế, bộ não của chúng ta có giới hạn. Nó phải liên tục xóa đi những ký ức không quan trọng để lưu giữ những ký ức quan trọng. Tốc độ quên một việc phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quan trọng của việc đó đối với chúng ta.

Giống như cuốn sách "Exam Brain Science" qua video 4 phương pháp nhớ lâu, nhớ sâu mà mình đã từng đề cập, muốn nhớ lâu thì chúng ta phải đánh lừa hồi hải mã để nó cho rằng đó là một sự kiện vô cùng quan trọng và cho phép nội dung kiến thức đi vào vùng trí nhớ dài hạn. Tuy nhiên, trong quá trình đánh lừa hồi hải mã, chúng ta đã phạm sai lầm về phương pháp, dẫn tới học xong chỉ dừng lại ở bước đầu vào và củng cố mà không thể áp dụng được ra ngoài. Vậy thì sai lầm thứ nhất của chúng ta đó là: chúng ta đã liên tục đọc đi đọc lại một nội dung để ghi nhớ. Ví dụ điển hình đó là học thuộc lòng, dù là học nhẩm trong miệng hay đọc to ra ngoài. Tác giả cũng chỉ ra rằng, sau lần đọc đầu tiên, cách một khoảng thời gian thì chúng ta nên đọc lại. Nhưng việc chỉ nhìn lại và đọc nhiều lần liên tiếp là lãng phí thời gian, lợi ích không đáng kể.

Sai lầm thứ hai ngoài việc đọc đi đọc lại nội dung để cho nhớ, còn có một phương pháp học mà rất nhiều người ưa thích sử dụng đó là gạch chân, bôi màu, ghi chú. Nhiều bạn còn ghi chú rất đẹp, sử dụng các bút màu, bút dạ quang khác nhau. Điều chú ý là việc ghi chú ở đây không phải là viết ra những suy nghĩ của mình, mà là cố gắng ghi chép lại tất cả những gì giáo viên giảng trong giờ học, hoặc là vừa đọc sách vừa ghi chú. Việc cố gắng ghi chú và làm nổi bật nội dung như thế này cũng là phương pháp học sai. Tại sao lại như vậy? Bởi vì những phương pháp này không thử thách não bộ, cũng không củng cố nó. Ngược lại, hành động cố gắng tập trung ghi lại tất cả những gì giáo viên giảng có thể sẽ khiến chúng ta không còn đủ thời gian để hiểu và phân tích vấn đề.

Vậy thì đâu là cách học đúng? Trước hết, chúng ta cần thay đổi tư duy của mình. Học không phải là để ghi nhớ mà là để áp dụng. Sau khi hiểu được mục đích học đúng đắn, chúng ta sẽ biết cách điều chỉnh phương pháp học của mình cho hiệu quả.

Post a Comment

Previous Post Next Post